NGHỊ LUẬN XÃ HỘI | VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TUỔI TRẺ ĐƯỢC GỢI RA TỪ CÂU NÓI CỦA TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM

Ngày 10/10/2024 15:42:03, lượt xem: 407

Đề bài: Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 và làm việc tại New York, Mỹ, sáng 23-9-2024 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia. Trong phần trao đổi với các giáo sư, giảng viên và sinh viên của trường, trước câu hỏi về chính sách đối với du học sinh, Tổng Bí thư đã trả lời:

“... Tôi biết là đa số sinh viên Việt Nam hiện nay đang theo học ở nước ngoài thì bạn nào cũng có tâm trạng tiếp cận với nền văn minh, nền khoa học tiên tiến từ đó mong muốn được trở về nước để xây dựng đất nước mình, phát triển cơ đồ của đất nước mình. Tôi thấy đó là mong mỏi rất hợp lý. Các chính sách của nhà nước Việt Nam cũng rất tạo điều kiện, rất ủng hộ các bạn hoàn thành mục tiêu này. Cũng không phải chỉ ở Việt Nam, các bạn có điều kiện để tiếp tục học tập, tiếp tục học cao hơn nữa để càng tiếp cận với những cái tiến bộ mới, càng sâu thì chất lượng giáo dục càng tốt và có điều kiện để đóng góp cho đất nước. Thậm chí kể cả những bạn đang học ở Hoa Kỳ, đóng góp cho Hoa Kỳ, chúng tôi cũng rất khuyến khích, cũng rất là vui. Vì đây không phải suy nghĩ mình làm cho đất nước mình, cho dân tộc mình. Quan niệm của mình là ở tầm quốc tế, văn minh chung cho nhân loại. Chúng tôi rất khuyến khích để làm sao có tiếng nói chung, thống nhất để đạt được mục tiêu cao nhất của đất nước, trong đó có trách nhiệm với những vấn đề chung của quốc tế, đặc biệt là với các nước đang còn khó khăn, còn chậm phát triển”. 

Trình bày quan điểm của anh chị về vấn đề liên quan đến tuổi trẻ được gợi ra từ câu trả lời của Tổng Bí thư Tô Lâm.

 

 

Bài làm

Chúng ta sống trong vũ trụ rộng lớn, nơi mà sự tồn tại của con người dường như trở nên nhỏ bé và tạm thời. Tuy nhiên, ta vẫn cần tìm cách để quỹ thời gian hữu hạn trong đời mình trở nên ý nghĩa hơn. Chúng ta - những con người đang sống trong năm tháng thanh xuân đẹp nhất để lựa chọn con đường đi cho cuộc đời mình, ta sẽ chọn con đường nào, quan niệm sống ra sao? Ta sẽ chọn khát vọng nào để hành trình tuổi trẻ đi qua khi ngoái nhìn đầu nhìn lại không phải nói hai chữ “giá như". Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và làm việc tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm có câu trả lời gợi ra nhiều suy ngẫm về những cách thức, lựa chọn để hoàn thành sứ mệnh cống hiến của người trẻ: “Tôi biết là đa số sinh viên Việt Nam hiện nay… đặc biệt là với các nước đang còn khó khăn, còn chậm phát triển”.  

 

Có thể thấy, câu nói của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm xoay quanh vấn đề về lẽ sống cống hiến của người trẻ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Mang trong mình nhiều đam mê, nhiệt huyết, khát vọng được tiếp cận, khám phá những vùng trời mới, việc người trẻ mong muốn được tiếp cận và bắt kịp với nền văn minh, nền khoa học tiến bộ trên toàn cầu là điều hoàn toàn phù hợp và cần được khuyến khích. Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư đưa ra hai quan điểm, hai xu hướng về suy nghĩ và hành động của những người Việt đang sinh sống và học tập tại nước ngoài: “trở về nước để xây dựng đất nước mình, phát triển cơ đồ của đất nước mình” và “đang học ở Hoa Kỳ, đóng góp cho Hoa Kỳ” (hiểu theo nghĩa khái quát là tiếp tục học tập, phát triển công việc và cống hiến ở các quốc gia khác trên toàn thế giới). Tùy thuộc vào mục tiêu, dự định cá nhân mà mỗi người có thể đưa ra những lựa chọn, những hướng đi riêng cho mình. Song tựu chung lại, cốt yếu mọi hành động đều hướng đến quan điểm cống hiến “ở tầm quốc tế, văn minh chung cho nhân loại”, “làm sao có tiếng nói riêng thống nhất để đạt được mục tiêu cao nhất của đất nước, trong đó có trách nhiệm với những vấn đề chung của quốc tế”. Có thể nhận định, câu trả lời của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh, một cái nhìn đầy đủ và toàn diện nhất về những việc người trẻ cần làm và nên làm trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cống hiến vì “đại cuộc” và cho “đại cuộc”. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Thật vậy, trải qua những giai đoạn lịch sử của dân tộc, thế hệ trẻ luôn được đặt trong mối quan hệ mật thiết, là lực lượng nòng cốt quyết định vận mệnh của dân tộc. Cùng với sự phát triển như vũ bão trên tất cả các lĩnh vực, người trẻ càng có thêm nhiều cơ hội vươn ra biển lớn, đi tới những quốc gia giàu mạnh để học tập, trau dồi, sáng tạo và phát triển năng lực của bản thân. Họ tiếp cận với những nền văn hoá khác, những vùng trời mới trên toàn thế giới bằng việc đi du học hoặc làm việc tại nước ngoài. Điều này không những mang đến cho họ những trải nghiệm mới mẻ, tự tạo cho mình điều kiện bứt phá, mà còn giúp họ được thoả sức vẫy vùng, vượt thoát ra khỏi mọi khuôn khổ để mở mang tầm nhìn. Sau thời gian học tập và tích lũy, họ quay trở về và cống hiến cho nơi họ đã sinh ra, nỗ lực để đưa dân tộc sánh vai với các cường quốc lớn mạnh trên toàn thế giới. Đó quả thực là điều đáng quý. 

 

ĐỌC THÊM: PHƯƠNG PHÁP CHUYỂN Ý TRONG BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI HIỆU QUẢ NHẤT

 

Trở về và cống hiến cho quê hương sau thời gian học tập ở nước ngoài là một lựa chọn thường thấy của người trẻ, song đây không phải là hướng đi duy nhất. Một xu thế khác, họ chọn ở lại và phát triển sự nghiệp của mình ở chính đất nước họ đã từng trải nghiệm hoặc bất kì một quốc gia xa lạ nào khác. “Đây không phải suy nghĩ mình làm cho đất nước mình, cho dân tộc mình” mà “quan niệm của mình là ở tầm quốc tế, văn minh chung cho nhân loại”. Họ nỗ lực, cống hiến ở nước ngoài với khát vọng góp phần tạo nên một thế giới phát triển, mọi người dân đều được hưởng những gì tiến bộ và tốt đẹp nhất. Nói cách khác, hành động đó chính là việc họ tạo tiếng vang và khẳng định tầm vóc của con người Việt Nam trên toàn cầu. Chúng ta có quyền mưu cầu những quyền lợi xứng đáng với tài năng của mình nhưng đồng thời chúng ta cũng không quên nguồn cội đã giúp hình thành và ươm dưỡng tài năng trong ta - đó chính là đất nước. Dù làm công việc gì, ở bất cứ đâu, chỉ cần không quên nguồn cội của mình, luôn ý thức được sứ mệnh cống hiến cho đời sống chung và có những hành động cụ thể để thực hiện sứ mệnh ấy thì chúng ta đều có thể hãnh diện và tự hào. 

Việc người trẻ tự do phát triển bản thân, theo đuổi tri thức đang được hoan nghênh và thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Đường lên đỉnh Olympia” có thể được xem là chương trình bổ ích, là sân chơi chắp cánh cho các bạn học sinh tài năng trên cả nước. Quán quân cuộc thi sẽ nhận được học bổng toàn phần du học tại Úc, đây là “nguồn đầu tư” lớn nhằm phát triển nhân tài. Sau thời gian học tập, họ có những lựa chọn riêng như về nước để cống hiến cho quê hương như Quán quân Olympia năm thứ 19 Trần Thế Trung, anh đưa ra quan điểm rõ ràng: “Tất nhiên, những anh chị đi du học và ở lại nước ngoài cũng có cách riêng để xây dựng đất nước. Nhưng với riêng em, em có lý do để quay về. Có thể bởi em sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, ông em là Trưởng khoa lịch sử Đảng, bố em là sỹ quan quân đội và mẹ em lại là một giáo viên dạy Chính trị nên từ nhỏ em luôn mong ước được gắn bó với quê hương, đất nước mình”. Hoặc nhiều người lựa chọn ở nước ngoài và họ đã đạt được những đỉnh cao trong sự nghiệp như kiến trúc sư phần mềm tại công ty danh tiếng IBM (Phan Mạnh Tân – Quán quân Olympia năm thứ 2), giám đốc công nghệ của VIoT. đình đám (Lê Vũ Hoàng – Quán quân Olympia năm thứ 6),... Có thể thấy, họ đang hô vang và khẳng định tầm vóc của người Việt Nam theo những cách khác nhau, cống hiến hết mình vì mục tiêu chung của nhân loại. 

 

ĐỌC THÊM: BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ NIỀM TIN Ở BẢN THÂN HAY NHẤT

 

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm lệch lạc, chưa thật toàn diện về lẽ sống cống hiến ở thế hệ trẻ. Họ viện lý do “vì quê hương”, “chỉ muốn ở nơi mình sinh ra” mà tự bó hẹp khả năng, năng lực của mình. Nhiều người trẻ chọn cách thu mình trong vỏ bọc hèn nhát, sống cuộc đời hưởng thụ, ngại va chạm và sợ thất bại. Cần loại bỏ quan điểm: rời xa quê hương đồng nghĩa với việc chối bỏ quê hương mình. Mặt khác, nhiều người trở nên sinh ngoại, chạy theo những thứ được cho là “tiến bộ” viển vông và mơ hồ dẫn đến thiếu chuẩn mực trong suy nghĩ và hành động, thậm chí phản bác, quay lưng lại với những nét đẹp và giá trị truyền thống của dân tộc. Họ tự cao, tự đắc khi đạt được một số thành quả nhất định mà quên mất đi cội nguồn của mình. Suy nghĩ và hành động như vậy có chăng đều xuất phát từ quan điểm, cái nhìn phiến diện theo chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, thiếu hiểu biết? Hãy luôn nhớ rằng, tài năng có thể đưa bạn vươn xa nhưng lòng biết ơn mới là điều giúp bạn gắn bó lâu bền với những thành tựu mà mình đã đạt được.

 

Trong cuốn nhật ký rực lửa của mình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã ghi lại những triết lý về cuộc đời của Paven Coocsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy”, để thể hiện quan điểm sống và lý tưởng của thế hệ thanh niên thời ấy: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Có lẽ, đây không phải chỉ là câu chuyện của một người, một thời mà là bài học cho mọi thời, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Có đủ khả năng cống hiến cho lợi ích của cộng đồng, bạn chính là người hạnh phúc nhất trên thế giới và chính là mảnh ghép để tạo nên một thế giới hạnh phúc.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học VĂN VIP LỚP 12 - 2K7

Tin liên quan